Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Viêm gan C bệnh nguy hiểm số 1 trong các loại viêm gan do virus

Viêm gan C bệnh nguy hiểm số 1 trong các loại viêm gan do virus


Viêm gan C là một trong những bệnh có khả năng lây lan mạnh và tiến triển thành xơ gan, ung thư gan rồi dẫn đến tử vong hàng đầu so với các loại virut viêm gan khác. Nhưng sự hiểu biết về nó còn rất hạn chế.

Viem gan C là một trong những bệnh có khả năng lây lan mạnh và tiến triển thành xơ gan, ung thư gan rồi dẫn đến tử vong hàng đầu so với các loại virut viêm gan khác. Nhưng sự hiểu biết về nó còn rất hạn chế. Năm 1989 Houghton và cộng sự ở California (Hoa Kỳ) phân lập được virut gây bệnh viêm gan không A không B về sau được gọi là virus viêm gan C (HCV). HCV là một sợi ARN có đường kính khoảng 50-60 nanomet (nm). Hiện tại vẫn chưa nuôi cấy được và chưa có nghiệm pháp xác định được các kháng nguyên đầy đủ như bệnh viêm gan virut B.

Theo thống kê tỷ lệ người dân mắc bệnh viêm gan C cao nhất là ở các nước châu Phi và các nước đang phát triển. Tần suất mắc bệnh cao hơn hẳn so với bệnh viêm gan B. Trong đó có 25% trường hợp cấp tính có hoàng đản; 50-70% tiến triển thành viêm gan C mạn tính, khoảng 20% trường hợp này tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan; 1% dẫn tới tử vong.

Sau khi mắc, bệnh tiến triển khá âm thầm nhưng kéo dài, tỷ lệ tái phát cao.
Về đường lây: bệnh qua đường máu, qua sử dụng các chế phẩm máu hoặc dùng chung kim tiêm với người bệnh. Về cách lây trực tiếp từ mẹ sang con, hiện các nhà khoa học còn đang tranh luận.

Cũng giống như các loại viêm gan virut khác, viêm gan virus C diễn biến qua 4 thời kỳ:

- Thời kỳ ủ bệnh: là giai đoạn virut xâm nhập cơ thể và tăng sinh rất mạnh. Thời gian này kéo dài từ 20 - 150 ngày, dài nhất trong các bệnh viêm gan do virut.
- Thời kỳ khởi phát (thời kỳ tiền hoàng đản): sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau tức vùng thượng vị hoặc vùng gan.
- Thời kỳ toàn phát (thời kỳ hoàng đản): khi hoàng đản xuất hiện, người bệnh có kết mạc, võng mạc, niêm mạc và da vàng. Lúc này bệnh nhân hết sốt, ăn ngon miệng hơn nhưng vẫn mệt mỏi. Khám lâm sàng thấy gan to và đau, có hạch ngoại biên to, một số bệnh nhân có ngứa, phân nhạt màu, tiêu chảy. Lách to ít gặp. Trong viêm gan nặng (viêm gan ác tính), biểu hiện cấp tính có gan teo nhỏ dần, xuất huyết và rối loạn tri giác rồi dẫn đến tử vong.
- Thời kỳ hồi phục: hoàng đản giảm dần, tình trạng toàn thân được cải thiện rõ rệt. Nếu sau 6 tháng các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu vẫn chưa trở về bình thường thì được xếp vào thể viêm gan mạn.

Tuy các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu nhưng người ta có thể chẩn đoán xác định được bệnh thông qua các xét nghiệm máu:
- Bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ để phát hiện kháng thể viêm gan C (anti HCV).
- Bằng phương pháp PCR (polymerase chain reaction) hoặc bằng các kỹ thuật di truyền để xác định genome của virut trong huyết thanh bệnh nhân.

Về điều trị và dự phòng, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, tránh những tổn thương ở gan. Chỉ nhập viện khi bệnh nhân có biểu hiện của suy gan hoặc triệu chứng xuất huyết.

- Nên nghỉ ngơi tuyệt đối khi có các biểu hiện lâm sàng và khi xét nghiệm thấy men gan tăng cao.
- Hạn chế dùng thuốc, đặc biệt các thuốc có hại cho gan.
Chú ý không dùng các kháng sinh, corticoid, immunoglobuline trong giai đoạn viêm gan cấp.
- Chế độ ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít mỡ, đặc biệt không uống rượu, bia và các chất kích thích.

Tới nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa bệnh viêm gan virut C. Ðể phòng bệnh này biện pháp chủ yếu vẫn là biện pháp sàng lọc các chế phẩm máu, tuân thủ tốt các nguyên tắc an toàn truyền máu để hạn chế sự lây lan.
Ðối với bệnh nhân viêm gan C mãn tính cần theo dõi thường xuyên về lâm sàng và sinh hóa, định kỳ 1 -2 tháng/lần cho đến khi các chỉ số sinh hóa trở về bình thường.

Tác giả: BS. Lê Thanh Minh
Nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống số 43 - Thứ năm 10/4/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét